Rừng trồng tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân
Ngày 7/11, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu", nhằm tạo diễn đàn tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, thúc đẩy xuất khẩu gỗ bền vững.
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỷ lệ che phủ rừng sẽ từ 42-43%, giá trị sản xuất tăng từ 5 - 5,5%, mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD. Trước đây, nguyên liệu sản xuất Việt Nam phải nhập hoàn toàn từ các nước, nhưng đến nay số liệu nhập khẩu đã giảm dần. Đây được coi là một thành công trong việc cải thiện giống và trồng rừng, đặc biệt là các loài keo, bạch đàn, cao su, và một số loài cây gỗ bản địa khác đem lại giá trị xuất khẩu cao.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay các cơ chế chính sách trong trồng rừng gỗ lớn, tích hợp các giá trị của rừng chưa được đồng bộ; chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò; việc trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng chưa được quan tâm đầu tư; chưa phát huy được liên kết chuỗi giá trị rừng nguyên liệu… Ngoài ra, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, phức tạp, trong khi nhân sự và công nghệ chưa được đầu tư thích đáng.
Nói về những giải pháp chính trong việc phát triển, quản lý, bảo vệ rừng, ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN& PTNT) cho biết, thời gian qua, diện tích rừng của chúng ta tăng lên rất nhanh, để đạt được kết quả này là nhờ tổng hợp các giải pháp tổng thể của Chính phủ, trung ương, chính quyền địa phương, đến người dân, góp phần đạt độ che phủ rừng. Giải pháp nữa là chúng ta đã thực hiện việc giao đất giao rừng rất hiệu quả, rừng không những có chủ, mà còn tạo điều kiện cho người dân trồng rừng tiêu thụ được sản phẩm do mình trồng, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra.
“Các chính sách nữa mà tôi muốn đề cập là chính sách môi trường rừng, chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng, chính sách lâm nghiệp bền vững 5 năm… Tất cả các chính sách này đều góp phần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, tiêu thụ gỗ rừng trồng đến nay đã đạt 20 triệu khối gỗ rừng trồng được tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu hiệu quả”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm (Bộ NN& PTNT) cho biết, diện tích rừng trồng tăng 5-5,5% hàng năm, độ che phủ đạt chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra, tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân, và rừng trồng chính là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. “Chúng ta đã có nhiều giải pháp, một số giải pháp hết sức căn cơ, những cơ chế chính sách, tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển nhờ trồng rừng. Chúng ta đã thay Luật bảo vệ phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp, xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật theo chuỗi, từ trồng, bảo vệ khai thác thương mại, định hướng này đã làm thay đổi giá trị, nhận thức dẫn tới hành động thay đổi trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp còn hài hòa với Luật Đất đai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Chúng ta đã giao đất giao rừng, thể hiện vai trò làm chủ của người trồng rừng, để dân chủ động sản xuất, kinh doanh bảo vệ rừng”, ông Diện nói .
Năng lực quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng còn hạn chế
Về những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng hiện nay, ông Nguyễn Văn Diện cho biết: Trong khâu quản lý bảo vệ rừng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tích về bảo vệ rừng, số vụ cũng như các thiệt hại năm sau đều giảm hơn năm trước (theo thống kê của Cục Kiểm lâm). Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những vụ phá rừng, cháy rừng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng cũng như tài sản của nhân dân, đất nước. Trong công tác bảo vệ rừng đang có những khó khăn, nhất là khó khăn nội tại của ngành đó là, địa bàn là vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, cây lâm nghiệp có khả năng cạnh tranh với các cây công nghiệp rất kém, không thể cạnh tranh được. Đây cũng là một trong những áp lực trong công tác bảo vệ rừng.
“Về vấn đề di dân tự do, chúng ta đã có những giải pháp rất là căn cơ và chúng ta đã nghiên cứu vấn đề này rất sớm, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa hiệu quả. Di dân tự do cũng làm cho việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu đất canh tác, đặc biệt với đối với đồng bào dân tộc ít người cũng là một trong những khó khăn. Chúng tôi thấy ở vùng Tây Nguyên có chất đất rất tốt, địa hình khá bằng phẳng, người dân có thể dễ dàng tác động đến rừng để có đất canh tác. Chính quyền một số nơi, một số địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Chủ rừng vẫn chưa làm hết trách nhiệm, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng vẫn còn hạn chế”, ông Diện nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, về vấn đề suy thoái năng suất rừng hiện nay, ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân, nhưng giống cây rừng đang là vấn đề có nhiều bất cập. Suy thoái năng suất rừng còn do sâu bệnh, dịch bệnh, dịch với rừng rất khó chữa, như cây keo của chúng ta đang bị nhiều bệnh, không đáp ứng được cho làm gỗ xẻ. Ngoài ra, gió bão cây keo yếu, nên việc trồng keo bền vững rất khó, tất cả góp phần làm suy thoái năng suất rừng trồng hiện nay…